NGÀY 3 – ĐƯỜNG. ĐÈO. GIÓ VÀ ĐẠI NGÀN

Ngày thứ 3 của hành trình là một buổi sáng tinh khôi sau một đêm mưa rả rích ở thị trấn nông trường Mộc Châu. Bữa sáng theo đúng kiểu gia đình với xôi, muối vừng và giò lụa làm ấm lòng “chiến sỹ” để sẵn sàng cho chặng hành trình dài trước mắt. Gia đình “chị dâu” chu đáo chuẩn bị cho chúng tôi xôi và thức ăn đem theo dọc đường và không quên một túi mận Mộc Châu với muối để chấm làm tráng miệng. Lại khệ nệ chuẩn bị đồ đạc chất lên xe và lại rong ruổi với hành trình.
Lại nói về hành trình, có lúc ta như bắt gặp chính mình trong những chuyến đi cũ khi tất cả mọi thứ tuồng như vẫn còn nguyên vẹn không thay đổi. Cụ già người Thái vẫn cặm cụi lưng còng ngay dưới liếp nhà nhẫn nại cho lợn ăn, cây cầu treo vắt vẻo ở xã Tú Nang vẫn lặng im núp dưới rặng tre rậm rạp đôi bờ. Có lẽ nên vui vì thời gian vẫn chưa làm cũ kỹ mọi thứ, và ký ức vẫn nằm nguyên vẹn rất đẹp miễn là người ta vẫn còn nhớ và trân trọng…
Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi trời hửng nắng và ánh nắng chói chang làm cho rát gáy, nắng có nghĩa là khô ráo và đường đi cũng dễ chịu hơn. Nhìn lại dấu tích của những trận lũ quét mấy hôm trước, chúng tôi không khỏi tự nhủ cái thời điểm mình chọn đi hoá ra cũng thích hợp. Đoạn đường đi cũng thi thoảng hân hoan reo vui với tiếng loa vang vọng rao hàng khắp các hẻm núi. Phần đông người bán đều mang biển số các vùng khác. Anh biển 17 lặn lội từ Thái Bình đem dép cao su lên bán, anh biển 36 đem đặc sản nem chua xứ Thanh lên chào mời… Những thị tứ nhỏ cũng reo vui khi có người khách lạ đem đặc sản khắp nơi đến với vùng cao. Nghĩ thế cho đỡ cám cảnh “cuộc mưu sinh vạn dặm của nguời tứ xứ”.
Đi qua huyện Mai Sơn của Sơn La, lần nào tôi cũng nhớ, rất nhớ hai cái thị trấn với tên gọi rất vui là Cò Nòi và Hát Lót. Chẳng hiểu nguyên cớ đặt tên từ đâu nhưng cái cảm giác nhìn thấy cái tên này tự nhiên miệng ngoác ra cười quên cả nắng gió dọc đường. Cơn mưa nặng hạt cũng là nguyên cớ để chúng tôi dừng lại để ăn trưa, thật ra cũng là để tránh mưa dưới mấy cái dù của một hàng bánh gai ven đường. Đem xôi, muối vừng ra ăn, bữa trưa đạm bạc nhưng rất ngon và cũng trôi qua rất nhanh khi trời lại vừa hửng nắng. Và như thường lệ của thời tiết núi đèo Tây Bắc, trời hửng nắng trong chốc lát rồi lại mưa. Riết rồi chúng tôi chỉ biết nhún vai chứ không còn cáu kỉnh khi mà vừa mặc áo mưa gia cố mọi thứ đàng hoàng thì trời lại nắng chang chang. Hành trình dạy cho chúng tôi kiên nhẫn, cẩn thận và “sans souci” – không lo âu…
DJI_0004
Chúng tôi háo hức với danh đèo đầu tiên – một trong 4 danh đèo nằm trong danh sách điểm phải đến của hành trình: Đèo Pha Đin. Đúng như tên gọi của nó trong tiếng dân tộc Thái – Đèo Trời và Đất (Phạ là Trời – chúng ta sẽ còn gặp tên gọi này trong địa danh Khau Phạ, Đin là Đất) khi qua đèo có lẽ người ta hoàn toàn bị choáng ngợp khi mắt cứ phải không ngừng dõi theo tít tắp phía xa xem đèo dẫn đến đâu, và nó khiến người ta tin rằng điểm tiếp giáp giữa trời và đất là có thực. Đèo hun hút dài, đường hun hút gió, và tâm thức thì cũng như thế mênh mông thoáng đạt như trời đất, đại ngàn. Ở lưng chừng đèo, tất cả chỉ có bao la của núi rừng hùng vĩ, thấp thoáng sương mù ẩn hiện và vần vũ mây đen như đuổi chạy nhau về hướng nào thì chẳng ai biết được.
DJI_0004
Vượt qua những con dốc cua tay áo với cảm xúc thênh thang như thế âu cũng là tưởng thưởng xứng đáng cho cả trăm cây số xe máy lên đến vùng này. Có lẽ cũng nên nhắc lại một chút về tích truyện của Pha Đin. Tương truyền từ xa xưa đã từng có một cuộc bàn thảo tìm cách vạch định ranh giới của hai địa phương bằng một cuộc đua ngựa vượt dốc Pha Đin. Người và ngựa của cả hai phía đều đồng thời xuất phát từ hai dốc đèo. Hai dũng sĩ và hai con tuấn mã đều có sức mạnh và ý chí như nhau nên khoảng cách mà họ đi được cho tới địa điểm gặp nhau trên đèo không chênh lệch bao nhiêu. Tuy vậy, phần ngựa Lai Châu phi nhanh hơn nên phần đèo thuộc về Lai Châu dài hơn một chút so với phần phía Sơn La.
DJI_0041
Và như tôi cũng luôn tự nhắc nhở chính mình với mỗi hành trình, trải nghiệm bất ngờ mới là thứ đáng nhớ. Từ điểm cao nhất của đèo Pha Đinh có thể nhìn thấy thấp thoáng trải rộng với ngút ngàn màu xanh của đồi núi thung lũng Mường Quài và ẩn hiện những làng bản đầu tiên của huyện Tuần Giáo. Hãy cùng tưởng tượng, qua đèo dốc cuối cùng, nắng mặt trời vàng óng của buổi chiều mùa hè soi rọi một thung lũng lúa xanh ngút mắt và cả một phong cảnh diễm lệ hiện ra trước mắt. Góc này người dân gặt lúa, góc kia đập lúa, vài cô người Thái hái rau trên những hiên nhà sàn. Chảy dọc qua khung cảnh rộn ràng đó là một con suối mà ở đó một bầy trẻ con đang tắm suối. Bức tranh được viền bằng các con đường băng qua ruộng bậc thang ngay hàng thẳng lối, chú chó vàng lũn cũn chạy sau lưng chủ gánh lúa trở về. Nhìn bức tranh rất thực hiện ra trước mắt mình với lộng lẫy vẻ đẹp và sự sinh động đến nao lòng của nó, chúng tôi buộc phải dừng lại thật lâu và tự nhủ: “mình là người may mắn”.
DJI_0048
DJI_0049
DJI_0078
DJI_0088
DJI_0093
DSC03792DSC03794DSC03796DSC03797
DSC03791
Tuần Giáo cũng là điểm dừng chân của ngày thứ ba. Thị tứ bé bé bình yên có lẽ sẽ vui cùng niềm vui của hai kẻ lữ khách sau một ngày đã quá “may mắn” với những gì thu vào mắt, vào tim của hành trình hôm nay.
Text: Tada Le
Photo: Danny Pham
Nhật ký Việt Nam! Việt Nam! Ngày 03 26.05.2016
Mộc Châu – Sơn La – Pha Đin – Tuần Giáo
Tổng chiều dài: 195km