NGÀY 18 – CẢM THỨC BÌNH TRỊ THIÊN

Nắng Hà Tĩnh đúng là như đổ lửa khi đã thiêu đốt mặt đất một cách cuồng dại ngay từ sáng, và càng về trưa nhiệt độ càng lên cao dần khiến mặt đất như bốc khói. Chúng tôi có một bữa trưa gia đình rất ấm cúng với gia đình của Dung – một cô bạn đang là giáo viên dạy Anh Văn của trường chuyên Hà Tĩnh và sẽ chuẩn bị đi Mỹ tu nghiệp theo học bổng Fulbright của Hoa Kỳ. Ước mơ của cô giáo trẻ này là sẽ có khả năng thay đổi phương pháp giảng dạy tại nơi mình công tác và truyền cảm hứng đến các em học trò về việc theo đuổi đến tận cùng mục tiêu của mình. Gia đình Dung đem đến sự nhiệt tình của người Hà Tĩnh làm chúng tôi cảm động và vẫy tay chào mãi không thôi.
13503044_871340426304293_2534413145294680109_o13497937_871340616304274_3194626433666843853_o
Xuất phát lúc giữa trưa, nắng cao trên đỉnh đầu nhưng có cảm giác như gió biển đang thổi ngược về ào ạt làm cái cảm giác nóng bức tạm thời bị xua đi. Nhưng đó chỉ là cảm giác tức thời, thực tế cái nắng làm cho chúng tôi cháy bỏng rát da thịt khi nắng cộng với gió biển. Tuy thế, hai chàng trai vẫn kiên quyết không khoác áo dài tay vào theo lời đề nghị của già nửa tá người chúng tôi gặp trên khắp đường đi đơn giản chúng tôi muốn thoải mái nhất có thể để đón nắng gió của hành trình. Đúng với tên gọi của vùng đất gió lào cát trắng, nhà cửa hai bên đường ảm đạm và thưa thớt dần, đến khu Kỳ Anh đoạn rẽ sang Vũng Áng chúng tôi tìm đỏ mắt không ra một cây xăng và có cảm giác mình đang xuất hiện ở một thành phố ma. Cái khu công nghiệp nhỏ ven biển này ảm đạm đến thê lương với lụp xụp những mái nhà xác xơ ven biển, hiu hắt vài đứa trẻ thô lố mắt nhìn hai người khách lạ ghé qua. Đó cũng là những ánh mắt cuối cùng chia tay chúng tôi với Hà Tĩnh để tiến đến Quảng Bình – tỉnh thành đầu tiên của Bình Trị Thiên khói lửa – mảnh đất bước ra từ những tàn khốc của cuộc chiến.13502674_871341276304208_533784408679464600_o13498087_871341309637538_6274483658700980264_o13482799_871342016304134_7363694724987665348_o13442434_871342202970782_8371785663271473690_o
13443285_871342942970708_8419800850133838193_o
Quảng Bình không chỉ là vùng đất được biết đến với nhiều cảnh đẹp bậc nhất như Sơn Đòong, Phong Nha, Kẻ Bàng, biển Nhật Lệ mà còn nổi tiếng với những người con ưu tú lỗi lạc. Đó là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh – người có công khai mở đất phương Nam, Đào Duy Từ – công thần chúa Nguyễn có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng Đàng Trong, người vạch chiến lược và xây dựng hệ thống lũy thành phòng thủ lũy Thầy, nhà thơ Hàn Mạc Tử, nhà thơ Lưu Trọng Lư… Đặc biệt, Quảng Bình là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, một trong 10 vị tướng tài ba của thế giới mọi thời đại, sánh ngang các vị tướng lừng danh trên thế giới. Và với chúng tôi, Quảng Bình cũng là quê của rất nhiều người bạn và điểm chung của họ là kiên quyết giữ giọng nói của mình – chất giọng mà với tôi đầy lửa, đầy thép, đầy khí tiết. Cũng như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được biết đến là đất nước có địa hình độc đáo, được chia thành các vùng sinh thái cơ bản: vùng núi cao, vùng đồi và trung du, vùng đồng bằng, vùng cát ven biển. Tất cả các vùng trên cùng trải dài trên một dải đất hẹp về chiều ngang mà trong đó tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương thể hiện rõ nhất nét độc đáo đó. Đi xuyên qua tỉnh thành hẹp nhất mà vẫn nhớ ngày xưa cô giáo dạy Địa lý vẫn hay ví von Quảng Bình như một chiếc đòn gánh mong manh gánh vác hai miền đất nước. Chúng tôi đi qua Quảng Bình vào tầm khoảng 4h chiều khi nắng đã dịu dần và cảnh vật hai bên đường thì quá thi vị với ngút mắt những cửa sông trên đường ra biển, xa xa là dãy Trường Sơn Hùng Vĩ điệp trùng dưới ánh mặt trời. Đoạn đường qua Bình Trị Thiên quá diễm lệ. Chúng tôi lại phải dùng từ diễm lệ khi vẻ đẹp của cảnh vật tự nó mở ra trước mắt vẻ đẹp không thể cưỡng lại được đặc biệt là lúc chiều tà – thời điểm yêu thích nhất trong ngày của chúng tôi.
13433328_871341596304176_8324186642677879770_o13475045_871341839637485_4111988865997580135_o
Dừng chân lại vùng biển Hải Ninh – vùng biển gần đây đang rất nóng với việc người dân phản đối việc xây dựng khu nghỉ dưỡng của FLC, phóng tầm mắt ra vùng cửa biển xâm xấp nước, vài ba chiếc thuyền nằm im lìm gối đầu vào lau sậy, trên triền đê là diều tung bay giữ gió chiều lồng lộng, hai ông bà cụ lũi cũi mót rơm để chất lên xe đem về. Khung cảnh không cần thêm nhạc mà vẫn ra giai điệu, không cần thơ mà vẫn đầy vần nhịp, không cần màu sắc mà vẫn như một bức hoạ quá yên bình.
13497728_871342476304088_8771170222315550900_o13490696_871342516304084_5865652501157164692_o13503059_871343246304011_1536428933792964328_o13443245_871343332970669_2410550289476571869_o13458530_871343329637336_3325403055600063557_o
Qua đất của Quảng Trị, tự nhủ là đường cũng đã qua được 1/3, khoảng cách đến Huế cũng không còn xa. Chúng tôi đành nhờ chạng vạng để tạm quên đi đoạn đường dài trước mắt. Không khí dịu mát dần, trâu bò lại lững thững trên đường về nhà và nắng thì nhỏ giọt vàng óng tràn hết lên khung cảnh trước mặt, sau lưng, trên đầu, dưới chân. Và ở một góc sân đất be bé, tiếng cười rộn vang của một trân bóng chuyền với sự tham gia của các cụ U50, U60. Không cần thiết phải đánh trúng, đánh đúng kỹ thuật, cốt là vui sau một ngày dài đồng áng. Chúng tôi dừng lại, lặng lẽ nhìn cái không khí lạc quan này, và thấy mình cũng mỉm cười. Nửa thế kỷ đã qua từ những ngày cả vùng đất này đầy ác liệt, hơn hai thế hệ con người, tất cả các địa danh vẫn như còn hiện diện y nguyên chỉ khác là với diện mạo mới. Vẫn còn đó chứng tích của vùng đất bị bom cày đạn xới, vùng đất đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc với các địa danh sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17 – một thời chia đôi miền đất nước. Vẫn còn đó chứng tích Thành cổ Quảng Trị bên dòng sông Thạch Hãn, vẫn còn đó địa đạo Vĩnh Mốc minh chứng cho sự khốc liệt của chiến tranh.
13497884_871343609637308_2775654697129179839_o13490655_871343482970654_3343746814258202777_o13458581_871342796304056_9066317545934744759_o13497897_871343662970636_4943160760756261089_o
Trời sụp tối rất nhanh, giờ thì lại tiếp tục chặng đường trong đêm để đi về thành phố Huế. Đêm rằm, trăng soi sáng trên đầu, soi rõ cả những đồi cát trắng xoá ở những địa danh với cái tên rất thơ – những địa danh có tên mà theo tôi là đẹp nhất Việt Nam như Vĩnh Linh, Hải Lăng, Cam Lộ, Gio Linh… Những địa danh đã đi vào nhạc, vào thơ và vẫn đầy ám ảnh với sự khốc liệt của mảnh đất mà mỗi mét vuông đều có hồn tử sỹ. Những bàn thờ trước nhà của mỗi mái nhà ở Bình Trị Thiên kể chúng tôi như vậy. Đi đường dài thì những km cuối cùng lúc nào cũng rã rời nhất nhưng cái đích đến thơ mộng bên sông Hương cũng rất đáng để chờ đợi. Chờ đợi nhất là ẩm thực khi Huế có quá nhiều thứ để thèm thuồng. Một bát bún bò đúng chất ngon tuyệt vời ngay thành nội, một ly chè ngon lành là quá đủ để cho một ngày dài cùng chặng đường Bình Trị Thiên.
13502591_871343869637282_7539251704007606940_o13475179_871343906303945_952527740848745935_o

Bình Trị Thiên khói lửa anh hùng năm nào giờ đã trở nên yên bình và thơ mộng. Cái đẹp hài hòa từ thiên nhiên ban tặng tới con người. Dải đất để lại trong chúng tôi quá nhiều cảm xúc lẫn lộn, ngập tràn ký ức tựa gió sông Hương đang ào ào thổi đêm nay.
Ngày 18 19.06.2016
Hà Tĩnh – Quảng Bình – Quảng Trị – Huế
Tổng chiều dài: 320 km
Text by Tada Le
Photos by Danny Pham
Nhật ký Việt Nam! Việt Nam!