NGÀY 10 – XIN CHÀO CUNG ĐÔNG BẮC

Chúng tôi bắt đầu ngày thứ 10 của hành trình Việt Nam Việt Nam để lên đường đi Hà Giang. Và chắc chắn không quên khám phá những điều thú vị của Si Ma Cai – địa danh cuối cùng của cánh cung Tây Bắc trong hành trình. Như đã từng chia sẻ về các tên gọi của các địa danh vùng cao Việt Nam, mỗi vùng đất, mỗi tên gọi đều có một ý nghĩa riêng với nhiều câu chuyện thú vị và đầy chất thơ. Si Ma Cai cũng như vậy! Thật ra tên gọi đúng phải là Sin Ma Cai, địa danh này có tên gọi như vậy do vùng đất đó đã từng xuất hiện một con ngựa lạ. Huyền tích cho rằng có ngựa ấy là do Rồng của nhà trời đi kinh lý, thấy cảnh bồng lai nên hóa thành con ngựa to cao lừng lững, trông khác lạ so với ngựa thồ bình thường. Tên gọi Si Ma Cai có lẽ xuất phát từ vị trí cao sừng sững giữa trời Tây Bắc chăng…
Nơi có đông cư dân thì có phố chợ. Sin Ma Cai nghĩa là chợ có con ngựa lạ. Si Ma Cai giáp với huyện Mã Quan thuộc châu tự trị của dân tộc Choang – tỉnh Vân Nam – Trung Quốc thế nên trong phiên chợ vùng cao Cán Cấu ta có thể bắt gặp các thương lái Trung Quốc rất nhiều ở chợ.
13412049_866715660100103_5002838242155644810_o (1)
Chợ trâu Cán Cấu từ lâu đã là phiên chợ nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc. Có người còn gọi vui đây là “sàn giao dịch” trâu, bởi mỗi phiên chợ có tới hàng trăm con trâu từ khắp các thôn, bản vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, thậm chí từ huyện Sín Mần của Hà Giang tụ hội về đây. Đi ngang qua Sín Mần, nhìn từ trên cao dưới một thung lũng đỏ ối màu đất đỏ, là rất đông người túa về, ở đây không chỉ có người mà còn cả trâu, rất nhiều trâu. Có người dắt theo một con trâu, có cả gia đình dắt cả đàn trâu nối đuôi nhau kéo vào chợ. Hỏi chuyện mới biết dân bản lùa trâu từ nhiều vùng xuống đây, có khi phải đi từ sáng sớm dọc theo các đèo dốc cả chục km để xuống chợ phiên. Nhiều khi họ chỉ dắt trâu đi chợ phiên cho vui. Vì nếu được giá thì bán còn không thì lượn lờ quanh chợ, ăn uống cho no rồi lại dắt trâu về chờ phiên chợ sau. Các chú trâu cũng xem như là có phiên đi chơi lững thững cho vui thoát khỏi cảnh ruộng đồng quen thuộc. Trâu nằm nghỉ trên bãi bùn ở trên cao, trâu nằm chơi dưới gốc tre, trâu lang thang triền đèo. Có thể nói không ngoa, phiên chợ này như một triển lãm trâu vì trâu to, trâu bé, sừng dài, sừng ngắn đều tụ hội đông đủ ở đây. Người có bạn, và trâu cũng thế, có lẽ các chú trâu cũng rất vui vì cuối tuần lại gặp bầy đàn ở đây.
13415652_866716726766663_3576041525776424677_o13416880_866717103433292_8131329587436957849_o13433296_866717283433274_6512632658517771010_o13391399_866717496766586_4832974884455101902_o13403262_866717943433208_5851329029256549026_o
7 giờ sáng, chợ phiên Cán Cấu đã rực rỡ sắc màu. Dưới khu vực chợ trâu, hàng trăm con trâu đã “tụ” về, đứng đen cả khu đất rộng mới được san gạt. Giữa “rừng” trâu, người đến bán, kẻ đến mua, cả những người dân và du khách hiếu kỳ cũng đến xem nhộn nhịp. Bà con mang trâu xuống chợ để bán, nếu bán được giá thì tốt, còn không bán được cũng chẳng ai buồn, họ coi đó là dịp để khoe đàn trâu của gia đình. Vì thế, có nhà không chỉ dắt một con trâu đi, mà thứ 7 nào cũng lùa cả đàn trâu tới chục con xuống chợ để “triển lãm”. Trâu ở Si Ma Cai xuống, trâu ở Bắc Hà ngược dốc lên, trâu ở Mường Khương sang, thậm chí, đồng bào Mông bên huyện Sín Mần (Hà Giang) cũng dắt trâu sang chợ trâu Cán Cấu. Không chỉ mua bán trâu, đây còn là một xới đấu của những con trâu đực đen bóng lừng lững với cặp sừng nhọn hoắt. Ở khu chợ Cán Cấu này được chia rõ ràng ra làm hai khu vực – khu phía trên là chợ phiên với đầy đủ các sắc màu của đủ loại nông sản và cả các hàng ăn uống với các mâm bày thịt gà, ngan, thịt lợn bản bóng nhẫy trên mâm và cả trên môi của các gia đình dân tộc đánh chén sau khi đã buôn bán xong. Còn dưới thung lũng là một bãi đất trống tụ hội đủ loại trâu của các vùng. Ở đây người đến bán trâu, kẻ đến mua trâu, nhiều người đến chợ chỉ để ngắm trâu cho thích mắt. Họ tụ tập thành từng nhóm quanh những chú trâu để ngắm nghía, bình phẩm, trao đổi với nhau. Giữa “sàn giao dịch” trâu Cán Cấu, không khó để nhận ra cánh lái trâu qua vẻ bề ngoài. Người nào cũng đeo cái ba lô hay khoác túi thổ cẩm chéo vai, hoặc thắt túi đựng tiền xề xệ trước bụng. Mỗi phiên chợ, cánh lái buôn mang theo hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng để mua trâu. Tiếng la hét mặc cả ầm ĩ cả một góc thung lũng. Quá trưa, rất nhiều trâu đã có kí hiệu riêng là số 8 có thêm dấu hai chấm (:) được xịt bằng sơn đỏ ở mông có nghĩa là “Trâu đã có người mua”. Chúng tôi rời chợ giữa trời nắng chang chang nóng nực nhưng phiên chợ dường như vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
13350283_866718736766462_8085310117796529491_o13391495_866717643433238_5840085212125677166_o13391663_866718240099845_2030519665072848164_o
Chúng tôi tiếp tục lên đường sang Xín Mần giữa buổi trời trưa, con đuờng từ Si Ma Cai Sang Xín Mần rất thơ mộng giữa núi đồi mây trời với các cánh đồng ruộng bậc thang mùa nước nổi soi rõ bóng mây trời xanh ngắt và thấp thoáng các hộ gia đình cày bừa chuẩn bị cho mùa mới. Chúng tôi chọn cung đường này để có thể thưởng thức trọn vẹn những vẻ đẹp kỳ thú và thưởng lãm tất cả những vùng ruộng bậc thang đẹp nhất, hấp dẫn nhất của núi rừng. Đường khá vắng vẻ do ít người đi nhưng cũng khá dằn xóc với đất đỏ, đường xấu, sỏi đá và các đoạn sạt lở sau mưa. Nhưng dù sao, cảm giác hai chàng thẳng tiến trên đường gần như chỉ của riêng mình là cảm giác rất lý thú. Chúng tôi vừa đi vừa phóng tầm mắt ra xa xa với các rặng núi xanh ngắt lúc mờ, lúc rõ, và ẩn hiện xếp chồng lên nhau như một bức tranh dựng hình 3D. Và điểm thú vị của các cung đường Tây Bắc là các dân tộc miền núi nơi đây, khi ta thấy quần áo khác lạ là biết mình đã sang vùng của một dân tộc khác. Người Mông với váy xoè hoa xúng xính hay treo trên các bờ rào đá, người Dáy với áo cổ tàu như bà ba với chiếc khăn trùm đầu sặc sỡ, người Dao Đỏ với khăn đỏ trùm đặc trưng trên đầu, người Tày duyên dáng với trang phục đen tuyền và chiếc khăn bằng thắt lưng duyên dáng, hay người Nùng với rất nhiều trang sức quấn quanh người. Mỗi một dân tộc là một văn hóa riêng, sắc màu riêng và những bí ẩn riêng.
13403311_866718383433164_8883483018691882896_o13350353_866719293433073_8313249106013410755_o13350377_866719650099704_5618690248556647127_o13403895_866719763433026_5463456980973311662_o
Chúng tôi đi qua Hoàng Su Phì vào buổi chiều tà và chỉ kịp ghé qua chợ thị trấn Vinh Quang mua ít bánh rán lót dạ trước khi đi tiếp. Lại tiếp tục những đèo dốc để ra đường quốc lộ đến thành phố Hà Giang. 1 km đường đèo phải bằng 3-4km đường thẳng và nó chính là thứ thử thách lữ khách lớn nhất trong chuyến hành trình. Khi lên dốc thì cả chiếc xe ì ạch với cả người và đồ đạc. Do đó phải rất khó khăn để nhích chậm chạp với tiếng ga dồn ầm ào bên tai. Khi xuống dốc thì tất cả mọi thứ chúi về phía trước theo chiều ngược lại làm mọi thứ trôi tuột về trước, đặc biệt lại phải vòng vèo để ôm theo những khúc cua tay áo. Thế nên 60km mà đi mãi không thấy tới nơi!
Chúng tôi ra được đến đường quốc lộ khi mọi thứ đã mù mịt không rõ mặt người, nhưng rõ ràng là rất vui vì cảm giác đến đích! À, phải nói chính xác là gần đến đích vì vẫn còn gần 50km đường quốc lộ dẫn tới thành phố Hà Giang. Đường bằng phẳng, rất đẹp với các dãy núi lờ mờ ôm mây ở hai bên đường. Điểm khó chịu nhất có lẽ là các xe đi ngược chiều rọi đèn pha thẳng vào mặt. Phần đông những chiếc đèn pha này đến từ các chú xế hộp bóng bảy của các ông chủ giàu có và khá “bất lịch sự” khi không thèm quan tâm đến các xe đi ngược chiều. Lúc này chúng tôi lại thấy nhớ cảm giác đi đêm giữa núi thẳm đêm hôm trước – “hai mình một ngựa” ngoằn ngoèo suốt hàng chục km đường đèo.
Cuối cùng thì thành phố Hà Giang rực rỡ ánh đèn cũng hiện ra trước mắt như một món quà xứng đáng cho một ngày dài dằn xóc trên đường. Chúng tôi đã chính thức bước vào cánh cung Đông Bắc với những cao nguyên đá hùng vĩ đang chờ đợi ở ngày mai. Tự thưởng cho mình bằng cách đánh chén thịt nướng xiên, bánh cuốn với nước xương hầm đúng kiểu Hà Giang, tự cắt tóc cho nhau bằng tông đơ mang theo ở một nhà nghỉ trọ, quá đủ cho đêm đầu tiên chào đón cánh cung Đông Bắc Chúc Đông Bắc ngủ ngon…
Text by Tada Le
Photos by Danny Pham
Nhật ký Việt Nam! Việt Nam!
Ngày 10 10.06.2016
Si Ma Cai – Xín Mần – Hoàng Su Phì – Hà Giang
Tổng chiều dài: 200km