NGÀY 19 – DỄ THƯƠNG XỨ HUẾ

Huế là một thành phố dễ thương, thật sự dễ thương! Chúng tôi có một ngày ở lại Huế để tận hưởng cảm giác yên bình không vội vã của nhịp sống, con người xứ Huế, và cả ẩm thực xứ Huế với đủ sắc màu đa dạng.
13458639_871807916257544_5375108614442565136_o

Lúc còn ở Hà Nội, cả hai đứa nói với nhau là khi đến Huế chắc chắn sẽ ăn cơm hến chính hiệu, ăn thật nhiều, ăn cho đã thèm thì thôi. Ngay từ buổi sáng khi mở mắt thức dậy, điều đầu tiên chúng tôi nghĩ đến đã là cơm hến và ở Huế thì đúng là không khó để tìm ra cơm hến khi các hàng quán xuất hiện ở khắp mọi nơi từ quán sang trọng, đến quán vỉa hè, đến chị quảy gánh đi bán dọc theo các kiệt (hẻm) nhỏ. Chúng tôi dừng chân ở một xe cơm hến nhỏ xinh ở ven đường và gọi ngay hai tô cơm hến cho bữa sáng. Cơm hến vốn là một món ăn dành cho người nghèo ở Huế ngày xưa (và có lẽ đến cả bây giờ) bởi sự giản dị của nó. Cơm nguội với các hạt cơm được đánh thật tơi xốp là thứ quyết định một tô cơm hến có ngon hay không. Ở các thành phố lớn, trong các nhà hàng Huế thì thường phần cơm này là cơm được nấu vẫn còn nóng hổi và hạt cơm từ gạo đắt tiền nên rất dẻo và với tôi nó không ngon và không hợp với cơm hến chút nào. Cơm thật tơi, và nguội được xúc vào cái bát lỡ cỡ không to, không bé. À! Quan trọng hơn cơm chính là rau, thứ rau ghém đủ loại được cắt sợi rất mỏng được độn cùng cơm. Và chắc chắn trong mớ rau hỗn độn này phải có bạc hà (người bắc gọi là dọc mùng) để tạo vị xốp xốp dòn dòn và rất gợi khẩu vị. Thêm một chút hến con bé xíu được xào sơ qua rất dậy mùi được tinh tế bỏ vào một góc, thêm vài miếng da heo giòn rụm, đậu phộng rang để nguyên vỏ, một chút mắm nêm, môt chút mè trắng, một chút ớt xay và một chén nước hến nóng hổi chan vào. Chu choa mạ ơi, nói như kiểu người Huế là có thể ăn xong tô cơm hến rồi chết cũng được. Và thế là hai tô cơm hến hết bay biến chỉ sau chốc lát. Người Huế làm gì cũng nhỏ, nói nhỏ nhẹ, ăn cũng nhỏ nhẹ, hầu như tất cả các tô, chén dĩa dành cho các món ăn đều bé xíu như món đồ chơi đồ hàng của các bạn gái. Nên chắc chắn là một tô cơm hến là không thấm thía gì so với hai cá dạ dày rất khoẻ của chúng tôi. Thế nên chúng tôi quyết định gọi thêm hai tô bánh canh chả cua và hai ly nước đậu ván nữa cho bữa sáng. Phải nói là vào Huế cảm giác đi ăn của chúng tôi rất an toàn khi không phải lo lắng thòng thêm một câu khi gọi món “đừng cho mì chính”. Và cũng rất thoải mái khi húp hết nước trong bát mà không sợ bị mì chính (bột ngọt) hành. Bữa sáng quá no nê và càng bất ngờ hơn đến khi tính tiền thì tổng cộng 2 tô cơm + 2 tô bánh canh + 2 nước đậu ván là 32,000. Vị chi mỗi món chỉ khoảng 5000 đồng. Quá rẻ, quá thích! Nó làm chúng tôi nhớ ngay đến giá của một cốc trà đá bé tí tẹo ở Hạ Long cũng có giá là 5k một cốc. Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng rõ ràng là ấn tượng về Huế là có cảm giác như cái gì cũng mộc mạc, chân thành, dễ mến. Và không hề có cảm giác gì là đây là một thành phố du lịch cả khi người dân ai cũng thân thiện, sẵn sàng hướng dẫn rất cặn kẽ mọi thứ. Và hầu như ai cũng nói đi nói lại vì sợ chúng tôi không nghe quen giọng Huế.
Chúng tôi xuôi theo con đường nhỏ nhỏ uốn quanh các làng cổ để đến biển Thuận An vào giữa trưa. Nắng rát bỏng nhưng không khí thì vẫn rất trong lành và dễ chịu. Cả bãi biển không có du khách nào do có lẽ là những tỉnh lân cận tỉnh nào cũng có biển và lại là ngày làm việc nên chẳng có ai ghé qua đây cả. Bãi biển hiện ra với toàn bộ vẻ hiền lành, tinh khôi của nó. Mọi thứ yên tĩnh đến mức chỉ nghe thấy tiếng sóng vỗ vào bờ cát, rõ ràng là biển đang thì thầm một bản tình ca rất đẹp.13475176_871809272924075_6634702947038185812_o13442530_871809332924069_9216509485335981320_o13502768_871809426257393_7695183013104987882_o
Chúng tôi cũng nhận ra điểm giống nhau giữa nó với các vùng biển miền Trung: cát thì có sắc vàng óng ả, mây trời dường như luôn biêng biếc và đại dương thì luôn một màu xanh thẳm bao la… màu xanh thẳm kì bí và đầy quyến rũ. Và buổi trưa ở làng chài ven biển Thuận An cũng yên bình và tĩnh lặng như vậy, gió thổi từ biển thổi về dìu dịu tựa hồ có thể khiến ta chìm ngay vào giấc ngủ trưa vô tư lự ngày bên những chiếc thuyền nhỏ dập dềnh nơi bến đỗ.
Chia tay Thuận An chúng tôi quay lại thành phố để lại tự thưởng cho mình hai cốc chè của một o bán gánh ven đường. Sương sa, sương sáo (thạch đen, thạch trắng) mủ gòn và đậu xanh đánh nhuyễn trong một cốc chè rất thơm và vị ngọt thì nhè nhẹ, thanh mát cực kì khiến cả hai như tỉnh hẳn cơn say nắng giữa trưa hè. Và mỗi cốc chè cũng chỉ có 5000 đồng.
13442637_871809906257345_5260798478494421684_o13483050_871810566257279_4710791804733226170_o13497554_871810316257304_752737036946458314_oLại xuýt xoa vì ngon và rẻ ở Huế để sau đó lại có sức đi tiếp đến trường Hai Bà Trưng với tên gọi cũ là trường nữ sinh Đồng Khánh. Như một sáng tác của Trầm Tử Thiêng – đường vô trường Đồng Khánh được miêu tả là như một đám mây xuống phố. Trường đẹp, thanh thoát và cổ kính, những cây phượng đỏ ối một góc sân trường càng tô điểm thêm cho dáng vẻ mùa hè của ngôi trường đã trải qua biết bao thăng trầm lịch sử. Chúng tôi lang thang một lúc lâu trong sân trường vắng lặng. Cả trường tuyệt nhiên không có ai ngoài bác bảo vệ già do đang là kì nghỉ hè. Có cảm giác như thời gian đang rất tĩnh lặng ở đây, và đâu đó tiếng giảng bài tiếng Pháp vẫn vang lên ở một góc lớp trên cao…13475128_871810829590586_7785117014883436228_o13475004_871815492923453_224703322518603175_o13442674_871811172923885_348182097295778695_o13442629_871810782923924_9042175901382175348_o

Chúng tôi quyết định ghé chùa Bảo Quốc vì một lý do từ ngày còn bé. Tác phẩm Thung lũng tuổi thơ của nhà văn Lương Tố Nga là một truyện dài mà tôi rất thích đọc vì đó là chuyến phiêu lưu của cậu bé tên Hoàng từ Huế đi đến rất nhiều vùng miền khác nhau. Tuổi thơ của cậu ở Huế gắn với những địa danh rất Huế như ngã ba An Cựu, Đập Đá, ngã ba Sình, và chùa Bảo Quốc. Trong câu truyện kể thì Hoàng mỗi lần bị ba đánh thì dì lại gánh nước ở giếng Hàm Long để về tắm sẽ mau lành vết thương. Và chùa Bảo quốc cũng là một ngôi chùa nơi mọi thứ tĩnh lặng để đón Hoàng mỗi lần cậu trốn nhà. Chùa đẹp, trang nghiêm, cổ kính và rất tĩnh lặng. chúng tôi đi xuyên qua những tán lá vòng ra phía sau để tranh thủ chợp mắt dưới những bóng cây dịu mát giữa trưa hè. Câu chuyện đọc được ngày bé như vẫn đang ẩn hiện trước mắt mình qua lưa thưa tầng lá…
13442703_871815402923462_5246133390874641299_o13442493_871815029590166_2358482315849624396_o13482984_871814566256879_8286132303855088710_o
Người ta nói đi Huế mà không ghé qua chợ Đông Ba là uổng lắm. Thế nên dù là biết chẳng mua gì ở chợ nhưng chúng tôi cũng vẫn bấm bụng gửi xe để dạo một vòng quanh chợ Đông Ba. Gần như ở chợ này có tất cả mọi thứ, từ đồ tươi sống, hoa quả, đến đồ khô, hải sản và cơ man nào là các hàng quán ăn uống. Chúng tôi lại không cầm lòng được chứ sự quyến rũ của gánh bún bò của mệ ở góc chợ. Đành ngồi xụp xuống để thưởng thức ẩm thực ăn vặt chợ Đông Ba. Và lần này hai tô bún với ngập chả cua cũng chỉ có giá là 20k. Chúng tôi không thể nào phân biệt được chỗ nào là ngon hơn khi ăn ở Huế vì chúng tôi rút ra rằng sự tinh tế trong gu ẩm thực của con người ở đây làm cho ai cũng nêm nếm rất ngon và vừa miệng. Nó khiến cho thực khách luôn mỉm cười hài lòng khi đứng dậy.
13483028_871815652923437_1535477264454477202_o13482828_871815979590071_3703129424597794157_o13490655_871816066256729_6912920322164226014_o13497546_871815909590078_7175058303687221310_o13483156_871816109590058_5972185691213892786_o13443142_871815779590091_8079558730513828590_o

Chúng tôi đã no và hài lòng cho bữa xế để chuẩn bị thẳng tiến hướng Phá Tam Giang. Được biết đến là một trong những đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, những nơi lớn rộng và rợn ngợp luôn tạo cảm giác cô quạnh và hoang vu. Có lẽ đó cũng chính là lý do để Phá Tam Giang luôn gợi cảm và hấp dẫn du khách ghé qua. Ngày xưa Phá Tam Giang với cửa Thuận An và song Hương là Thủy lộ chính để lên kinh thành Huế nên ai đi thượng kinh cũng đều phải vượt phá. Tuy là đầm nhưng vì có sóng nên mới có câu: Ai vô xứ Huế thì vô Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
Con đường cái quan của Phạm Duy đi qua Huế cứ văng vẳng bên tai chúng tôi khi đứng trước vẻ đẹp bao la của Phá Tam Giang. Đứng trước cái mênh mông này, vắng lặng này mới hiểu lý do tại sao quá nhiều thơ và nhạc dùng Phá Tam Giang để gợi nỗi buồn nỗi nhớ. Nhà thơ Tô Thuỳ Yên đã sáng tác những vần thờ rất nổi tiếng có nhắc đến nỗi buồn ở đây, bài đã được Trần Thiện Thanh phổ nhạc với tên gọi Chiều trên phá Tam Giang. Có lẽ không chịu nổi được buổi chiều cô quạnh ở đây nên chúng tôi quyết định sẽ đi về Đầm Chuồn để thấy nhiều hơn nhịp sống con người. Đầm Chuồn được nhiều người Huế biết đến với những nhà hàng nổi hải sản ở giữa đầm mà đến đó bạn sẽ phải đi ghe hay thuyền. Nhưng chúng tôi thì lại theo ghe thuyền lang thang ở trong đầm rộng bao la để tận hưởng cảm giác hoàng tôn tắt ở phía chân trời mà mây đang xếp hình với đủ mọi sắc màu.
13502798_871817436256592_1485814307808888661_o13502679_871816739589995_5872063497240083369_o13498077_871817926256543_6709696968188653785_o13497851_871816609590008_682903818961472845_o13497817_871816862923316_5983547454345682308_o13475224_871817126256623_3680368192822437882_o13475182_871817612923241_5522831803542153872_o13474935_871817679589901_3234460800701443273_o13474954_871817016256634_5239191089143506590_o13443194_871817379589931_6054951733008769068_o13443134_871817176256618_8381277794081969381_o13502627_871817696256566_8396230715977384937_oĐầm Chuồn mênh mang sóng nước, điểm xuyến những chiếc thuyền ngư phủ nhỏ bé làm say đắm bất kỳ ai đã một lần ghé thăm. Bình dị, chân phương, mộc mạc và giản dị, đó là những từ để nói lên cuộc sống thanh bình chân chất của người dân đầm Chuồn quanh năm lênh đênh trên sóng nước. Hiếm có nơi nào gần trung tâm thành phố đến vậy mà chẳng cần đến điện để xài. Mọi hoạt động của ngư dân đầm Chuồn diễn ra một cách đơn giản như quy luật của tự nhiên dưới ánh sáng của Mặt Trời, Mặt Trăng và những vì sao cùng sự chỉ dẫn của Nữ Thần Nước – theo quan niệm tâm linh của dân làng. Ngắm nhìn Đầm Chuồn từ giữa mênh mang là một cảm giác quý giá mang theo có lẽ còn đến rất lâu. Nhìn màu nắng mật ong đang chuyển màu, ráng chiều với đủ ngũ sắc, ai cũng tự dung muốn thành thi sĩ để không bị lỡ mất những tứ đẹp mà cảnh quan tự nhiên đem hứng đến. Một ngày ở Huế là không bao giờ đủ, chắc chắn thế! Nhưng một ngày ở Huế cũng là đủ để chìm vào cái không gian thuần phác mà dù là ở giữa nội đô hay miền hoang vắng đều vẫn toát lên tinh thần đó. Với chúng tôi, phải mất rất nhiều lần để thốt lên từ “dễ thương” trong ngày để nói về Huế. Và kỳ thực không có từ nào có thể thích hợp hơn để nói về tình cảm của chúng tôi dành cho đất thần kinh này. Nó khiến chúng tôi mỉm cười khi nghĩ về… chắc chắn sẽ vẫn mỉm cười trong giấc ngủ đêm nay của đêm cuối trước khi chia tay Huế.