NGÀY 8 – ĐI GIỮA MÂY Y TÝ

Cảm giác quay trở lại hành trình sau một thời gian tạm gián đoạn là cảm giác rất hay ho. Nó như là cảm giác trở về nhà sau một ngày dài mệt mỏi, vui khi nhìn vào mọi thứ quen thuộc, không gian quen thuộc, gương mặt quen thuộc. Và chúng tôi cũng vậy, trở lại với các cung đường, với đèo dốc, núi cao và cả bầu không khí khoáng đạt là thứ không gì sánh được. Việt Nam Việt Nam là một hành trình với những câu chuyện bé bé, câu chuyện về cảnh vật trên đường thu vào ống kính mắt người, về những con người và những tình cảm dịu ngọt chắc chắn sẽ để dành ở tim. Hành trình của chúng tôi tiếp nối từ Lào Cai, sau một hành trình dài từ Hà Nội, sau một đêm mưa tầm tã và sau vài sự cố thì buổi sáng ở Thành phố Lào Cai cũng tươi sáng, trong trẻo và không mưa. Là mảnh đất “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” với sự giao thoa của 2 dòng sông là sông Hồng và sông Nậm Thi, tạo nên sự kì diệu của thiên nhiên với một khúc sông dòng trong, dòng đục. Ở đây còn nổi tiếng với Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, chỉ mất vài phút làm thủ tục xuất cảnh và đi bộ du khách đã có thể qua được thị trấn Hà Khẩu – tỉnh Vân Nam – Trung Quốc. Do đó không khó khi bắt gặp các bảng hiệu chữ Trung Quốc khắp nơi, các điểm đổi tiền, cung cấp tour du lịch đi Trung Quốc, có cảm giác như ta đang lạc vào một thành phố nào đó ở Trung Quốc vậy. 13340213_865669766871359_5376555867200409722_o

Chia tay với Lào Cai sầm uất và nhộn nhịp, chúng tôi rẽ vào đường đi huyện Bát Xát khi mây bắt đầu vần vũ ở góc trời. Bát Xát là một huyện trong điểm quan trọng ở phía Tây Bắc của Lào Cai tiếp giáp với biên giới Trung Quốc. Và cảm giác đi dọc theo con sông Hồng từ thượng nguồn gợi đến trong chúng tôi rất nhiều cảm xúc. Đoạn đầu tiên chảy vào biên giới Việt Nam ở địa phận xã A Mú Sung, và điểm chính giữa sông chính là điểm phân chia lãnh thổ của hai nước. Hồng Hà, con sông dài tới 1149 km mang quốc tịch của hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Sông Hồng càng lên thượng nguồn có vẻ như càng hẹp lại và nông hơn. Màu nước vẫn hồng như muôn thuở đã hồng của con sông chở nặng phù sa. Phù sa đắp bồi nên những cánh đồng thẳng cánh cò bay và phù sa dập dìu luyến láy thành điệu xoan, điệu chèo của bao sấp ngửa mùa màng. Càng đi càng thấy mây trời nhiều hơn, gần hơn và tầm nhìn càng xa rộng hơn với nhiều điệp trùng núi non, sông suối. Đoạn đường đi tiếp nối khá hiểm trở, dù đã rải nhựa phẳng lì song quá nhiều đoạn cua tay áo chóng mặt và một bên là vách núi cao lừng lững một bên là vực sâu hun hút. Hiểm trở là thế, nguy hiểm là thế nhưng chắc chắn không ai có thể chớp mắt được trước vẻ đẹp đến nao lòng của đất trời rừng núi. Trung Quốc bên kia sông tưởng như có thể bơi ngay qua được bờ bên kia chỉ sau vài chục sải bơi. Tạm bỏ qua các câu chuyện về giao tranh biên giới, về những máu và nước mắt đã thấm đỏ nơi đây, trong tâm thế của những người lữ khách, chúng tôi tận hưởng vẻ đẹp của một bầu trời chung, bầu không khí chung, và cả vẻ đẹp chung của vùng đất địa đầu biên giới.

13412170_865670310204638_4096243625220378217_o

13416809_865676773537325_7704363162810648503_o

Cảm giác đi giữa núi rừng là một cảm giác rất thú vị, khi tai ta đã dần quen với tiếng nửa yên tĩnh, nửa không phải yên tĩnh. Nó không hoàn toàn im lặng tuyệt đối nhưng là tiếng của gió thì thầm rất nhẹ, tiếng của chim muông, của vượn, của xào xạc lá rừng. Tất cả trộn lẫn vào thật khéo để mặc dù không cần bất kỳ giai điệu nào ngân nga ta vẫn có cảm giác thư thái như đang nghe một bản nhạc êm dịu vậy. Đấy! Chính nó, cảm giác dịu ngọt là cảm giác có thể tác động đến ta trực tiếp như thể là khi dựng một đoạn phim bằng hình ảnh thì ắt hẳn là cần phải có tí nhạc nền vào cho thêm phần ép phê vậy.

13392244_865672573537745_7565516860023739036_o

Đoạn đường đi Y Tí còn đẹp bởi hình ảnh lao động giữa nắng trưa hè oi ả trên những cánh đồng ruộng bậc thang trải dài như khắp các thung lũng. Trên một mảnh ruộng bé tí mà có đến 3-4 gia đình cùng làm việc, cày, rồi cấy lúa. Tất cả đều diễn ra rất nhanh trong thứ ngôn ngữ giàu nhạc điệu của các câu chuyện tán gẫu mà nghe như hát của đồng bào người Dao ở đây. Ruộng nằm trên triền núi, giữa những thung lũng núi hiểm trở. Cheo leo vách đá là bạt ngàn ngô, nhiều đến nỗi khi ta nhìn vào bạt ngàn này thì cũng phải thay đổi điểm nhìn trước khi bị hoa mắt.
13411682_865671093537893_2606992805864172945_o
13340240_865671170204552_8768408291795693140_o
Một đặc sản của đèo dốc và các cung đường Bát Xát có lẽ là mây, nên nhắc đến vùng này nhiều người hẳn vẫn nghe đến cảnh các “phượt thủ” hay đi săn mây ở đây. Chúng tôi không phải “phượt thủ” – không quần áo rằn ri, không đi thành đoàn và cũng không có ý định “săn mây”, chúng tôi chỉ đơn giản ngắm cho no mắt cảm giác “mình cũng được bao la” như đất trời vậy và thấy mình cũng nhẹ nhàng thư thái như các bạn mây đang cố tình lượn xuống thật thấp để tay ta có thể chạm tới vậy. À không, phải nói là núi đang lên rất cao để 3 người bạn chúng tôi là núi, mây và người gặp nhau ở cùng một chỗ. Cuộc hội ngộ thú vị này làm cho chúng tôi bị choáng ngợp và hít hà cái bầu không khí lành lạnh, ẩm ẩm và thơm thơm lạ kì khi đi lên cao dần và hoà vào với mây khói.
13417019_865672436871092_798971606568441606_o13346167_865672323537770_4101611029277685461_o13403213_865676270204042_7972853346910358307_o
Đi xuyên qua mây cũng là lúc những hạt mưa đầu tiên bắt đầu hạ xuống. Mưa núi trên cao khá lạnh và bắt đầu hơi buốt. Cảm giác ướt át chạm vào da thịt nhưng cậu em vẫn không ngừng xuýt xoa trước cảnh quan hùng vĩ và diễm lệ trước mắt.13350431_865671770204492_4627852518096689635_o13346135_865672016871134_9073120202851088352_o13340117_865676756870660_2263450603362963752_o13412210_865676363537366_7407170891400400507_o13411947_865676403537362_8341212758660510395_o
Đoạn đường 10km cuối cùng đến Y Tí dài ra tưởng như vô tận khi đường sạt lở và lầy lội nhuộm đỏ ối cả khúc dài. Đoạn thì suối chảy tràn dưới cảnh trời mưa trắng xoá và lạnh buốt. Đường đầy sương mù giăng ngập ngụa có đoạn chỉ nhìn được chưa tới 1m, nên chúng tôi giật bắn mình khi tự dưng có một chiếc xe tải to uỵch bật pha ngay trước mặt mình. Chúng tôi đếm ngược từng km một đi qua A Thù, rồi Ngãi Thầu, rồi là Y Tí. Thị trấn nhỏ xinh nằm nép bên thung lũng mây tuyệt mỹ. Chúng tôi tìm đến một nhà trọ nhỏ của chị Mỳ – một phụ nữ người Mông cho thuê dịch vụ Homestay và vội vàng thu gọn đồ đạc để quay lại Ngãi Thầu để tận hưởng cảm giác ngắm nhìn cảnh đẹp mà mình không muốn vì mưa gió mà bỏ lỡ. Trời rất biết cách chiều lòng người khi đã vén mây để thò mặt ra làm cả bức tranh lộ diện với toàn bộ sức quyến rũ kì lạ của nó. Tất cả các màu sắc đều được khéo léo sắp đặt trong bức tranh thiên nhiên kì vĩ và tuyệt sắc này để chiều lòng mắt nhìn của lữ khách. Lác đác trên đường là vài liếp nhà bé bé của các bản dân tộc neo người.
13412129_865676680204001_6338218015130801115_o
Tiếng gà kêu, vịt kêu, lợn kêu, những ánh mắt trẻ con ngây thơ đau đáu sau bờ rào đá. Tất cả là quá đủ cho một buổi chiều quá đỗi thi vị nơi biên cương của chúng tôi.
13418619_865678026870533_5784836209030129513_o
13411698_865676846870651_2599645558533590554_o13346383_865678110203858_2613294395076001046_o13391601_865677526870583_2186328849798422722_o
Sau bữa cơm rất ngon với rau xanh và tươi hái ngay bên nương nhà, thùng nước lá tắm nghi ngút làm dịu đi tất cả mệt mỏi đường trường, giấc ngủ chắc chắn sẽ đến rất sâu khi ngoài trời cơn mưa của núi rừng đang tí tách ru chúng tôi thật nhẹ, thật nhẹ….
Text by Tada Le
Photos by Danny Pham
Nhật ký Việt Nam! Việt Nam!
Ngày 08 08.06.2016
Lào Cai – Y Tý
Tổng chiều dài: 80km